TÓM TẮT: Liên
kết đào tạo trình độ thạc sĩ là một hoạt động quan trọng của các cơ sở giáo dục
đại học. Từ thực tiễn liên kết của Trường Đại học Vinh, để nâng cao chất lượng
hiệu quả của hoạt động này, liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ phải quán triệt
mục tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội, tăng cường các biện pháp quản lý chất
lượng, thực hiện chuyển giao trong quá trình liên kết đào tạo, tranh thủ sự ủng
hộ, phối hợp của các ban ngành và cơ quan, cơ sở giáo dục đại học.
1. Đặt vấn đề
Liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ giữa các cơ sở giáo dục đại học là một hoạt động nhằm phát triển nhân lực có trình độ cao một cách hiệu quả, nhanh và bền vững. Trên thế giới, liên kết đào tạo với quy mô, tính chất, trình độ khác nhau là hoạt động thường xuyên của các cơ sở giáo dục đại học. Hoạt động liên kết là để chia sẻ kinh nghiệm quản lý, chương trình và nội dung đào tạo, tiềm lực đội ngũ cán bộ khoa học, khả năng cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục. Đó cũng là hoạt động tạo điều kiện cho người học có cơ hội tiếp cận trình độ học thuật cao hơn và tính đa dạng, thế mạnh riêng của các cơ sở giáo dục. Hoạt động liên kết để đào tạo phù hợp với sự phân tầng của các cơ sở giáo dục đại học theo định hướng đại học nghiên cứu hay đại học ứng dụng, đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ cao của người dân, thực hiện chiến lược phát triển bền vững nguồn nhân lực theo vùng miền, địa phương, cơ cấu ngành nghề. Liên kết đào tạo cũng cũng tăng hiệu quả đầu tư giáo dục, tiết giảm chi phí của người học, của cơ sở đào tạo và xã hội. Tuy nhiên, hoạt động liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ, phải tuân thủ đúng các quy định hiện hành. Hoạt động liên kết đi đối với chuyển giao quá trình đào tạo trình độ thạc sĩ của Trường Đại học Vinh (ĐHV) với Trường Đại học Đồng Tháp (ĐHĐT), Trường Đại học Sài Gòn (ĐHSG), Trường Đại học Kinh tế - Công nghiệp Long An (ĐHLA), Trường Đại học Tây Nguyên (ĐHTN), Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long (ĐHVL) và các cơ sở giáo dục đại học khác chính là sự phát triển bền vững trong đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao.
Được thành lập từ năm 1959, Trường ĐHV hiện nay là cơ sở đào tạo đại học đa ngành, đa cấp ở Bắc Trung Bộ, là trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước. Với 18 khoa đào tạo, hơn một ngàn cán bộ, giảng viên, nhân viên (trong đó có 64 GS, GVCC, PGS, 224 tiến sĩ), Trường ĐHV đang đào tạo 50 ngành đại học, 37 chuyên ngành thạc sĩ, 15 chuyên ngành tiến sĩ, quy mô tuyển sinh mỗi năm 5.000 chỉ tiêu đại học, 1.100 chỉ tiêu cao học, 55 chỉ tiêu nghiên cứu sinh. Trong tổng số 17 khoa chuyên ngành đào tạo đại học hiện nay, trừ hai khoa mới được tách ra, đã có 16 khoa mở chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ.
Đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh phía nam là một trong những thành tựu của Trường ĐHV trong hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển. Ngay sau chiến thắng 30/4/1975, một đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, sinh viên mới tốt nghiệp của Trường ĐHV đã được điều động vào nhận nhiệm vụ tại các cơ sở giáo dục phổ thông và đại học từ Quảng Trị trở vào. Từ năm 1977, đã có hàng trăm cán bộ, giáo viên, giảng viên các tỉnh phía nam được đào tạo trình độ cao học, thạc sĩ, tiến sĩ ở Trường ĐHV. Trong thời kỳ đổi mới, Trường ĐHV tiếp tục đẩy mạnh hoạt động liên kết đào tạo để phát triển bền vững nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người học. Từ năm 2003, được phép của Bộ GD-ĐT, Ban Chỉ đạo Miền Tây Nam Bộ, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Trường ĐHV đã liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ tại Trường ĐHĐT, Trường ĐHSG, Trường ĐHLA. Ở Trường ĐHĐT, đã liên kết đào tạo 12 khóa, có 10 khóa đã tốt nghiệp; ở Trường ĐHSG, đã liên kết đào tạo 8 khóa, có 7 khóa đã tốt nghiệp; ở Trường ĐHLA, đã liên kết 4 khóa, đã có 2 khóa tốt nghiệp; Trương ĐHLA đang đào tạo 2 khóa. Từ năm 2015, được phép của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ GD&ĐT và các ban ngành liên quan, Trường ĐHV đang triển khai đào tạo trình độ thạc sĩ cho các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên và vùng phụ cận. Trong quá trình liên kết, Trường ĐHV đã phối hợp thực hiện nhiệm vụ phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, trao đổi và chuyển giao giáo trình, tài liệu, kinh nghiệm tổ chức quản lý để các trường nói trên đủ điều kiện mở các chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ. Với quan niệm “không chỉ là xâu cá mà có cả cần câu”, hoạt động liên kết tích cực đó không chỉ đem lại lợi ích, vị thế cho các bên tham gia liên kết mà góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao một cách bền vững cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng miền, của cả nước.
2. Các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ
Trong bối cảnh phát triển kinh tế tri thức, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhiều cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước đang liên kết đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao ở các địa bàn, vùng miền, ngành nghề kinh tế - xã hội. Những kết quả hoạt động liên kết của Trường ĐHV với các cơ sở giáo dục đại học ở phía nam để đào tạo nguồn nhân lực cao cho các vùng kinh tế trọng điểm là những kinh nghiệm quý báu để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động nói trên.
2.1. Trường ĐHV luôn luôn bám sát quan điểm đào tạo theo nhu cầu nhân lực của xã hội, điều kiện của người học, khả năng đáp ứng của trường đại học. Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm căn cứ vào đề nghị của Trường ĐHĐT, Trường ĐHSG, Trường ĐHLA, Trường ĐHTN và Trường ĐHLA. Giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa đào tạo theo nhu cầu của cơ sở liên kết, tiềm lực đội ngũ cán bộ của trường và hiệu quả quản trị về tài chính, tạo điều kiện tối đa cho người học về mọi phương diện (thời gian, kinh phí, điều kiện làm việc,…). Việc bố trí thời gian học hợp lý (vào các ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật hàng tuần) đã tạo điều kiện cho các học viên đang làm việc có thể theo học đầy đủ chương trình đào tạo.
Hoạt động liên kết không đơn thuần tạo nguồn thu theo cơ chế tự chủ tài chính của các trường đại học mà trước hết phải đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao của địa phương. Việc lựa chọn chuyên ngành đào tạo, số tượng và đối tượng người học được thực hiện đúng mục tiêu phát triển nhân lực. Học viên đăng ký dự thi tuyển một số chuyên ngành theo quy hoạch nguồn nhân lực (Quản lý giáo dục, Chính trị học) phải có quyết định cử đi học của cơ quan chủ quản.
2.2. Tăng cường các giải pháp để quản lý chất lượng đào tạo, từ tuyển sinh, quản lý hoạt động dạy học, đánh giá luận văn tốt nghiệp, điều kiện ngoại ngữ đầu ra. Trường ĐHV đã cử cán bộ chuyên trách theo dõi, quản lý hoạt động liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ ở Trường ĐHĐT, Trường ĐHSG, Trường ĐHLA. Thực hiện tốt Quyết định 45/2008/QĐ-BGDĐT, Thông tư 10/2011/TT-BGD ĐT, Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về đào tạo trình độ thạc sĩ ở các thời kỳ. Có các văn bản quy định trách nhiệm quản lý chất lượng đào tạo giữa Trường ĐHV và cơ sở liên kết. Hợp đồng liên kết đào tạo được ghi rõ chức năng, trách nhiệm của mỗi bên trong việc quản lý chất lượng đào tạo, hoạt động giảng dạy, kiểm tra, đánh giá. Cơ sở liên kết thường xuyên kiểm tra lịch giảng dạy và học tập, đánh giá vào phiếu báo giảng của mỗi giảng viên. Quán triệt cho giảng viên, cán bộ thỉnh giảng để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu khoa học, quản lý hoạt động tự học của học viên. Không bố trí những cán bộ đã vi phạm quy định về thời gian lên lớp, tiếp tục giảng dạy ở các đơn vị liên kết. Lịch học tập, thi hết môn, đánh giá luận văn tốt nghiệp,… được cụ thể hóa từng môn học, ngày học cho cả một khóa đào tạo. Các môn học bố trí tập trung vào các ngày thứ bảy, chủ nhật và giãn khoảng cách các đợt học để tạo điều kiện thời gian cho học viên chủ động trong việc sắp xếp, bố trí kế hoạch đi học, làm việc ở cơ quan và gia đình. Với số lượng tuyển sinh hàng năm hơn 1.100 chỉ tiêu đào tạo trình độ thạc sĩ ở 34 chuyên ngành, được tổ chức thi 2 lần trong năm (tháng 3 và tháng 8 ở bốn điểm thi: Nghệ An, Đồng Tháp, Sài Gòn, Long An, Vĩnh Long và Tây Nguyên) là điều kiện thuận lợi để người dự thi có sự lựa chọn chuyên ngành học phù hợp với yêu cầu của xã hội, của đơn vị, năng lực và nhu cầu, điều kiện của cá nhân.
Để đảm bảo chất lượng bền vững của hoạt động liên kết đào tạo, Trường ĐHV đã cùng với các cơ sở liên kết có các biện pháp để hạn chế những bất cập về đào tạo ở xa (giảm thiểu kinh phí đào tạo, sử dụng tài liệu qua thư viện điện tử của Trường, kết hợp thực hành thí nghiệm trong các đợt tập trung tại Vinh,…). Việc phối hợp giữa việc học các chuyên đề ở cơ sở liên kết và ở Trường ĐHV, tổ chức thực hành, thí nghiệm (đối với các chuyên ngành có thực hành, thí nghiệm), tổ chức tìm hiểu thực tế, xemina, hội thảo, duyệt đề cương luận văn, chấm luận văn tốt nghiệp,… đã đảm bảo đúng quy chế hiện hành, nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện mọi mặt cho học viên, giảm các chi phí cho người học.
2.3. Đảm bảo hợp tác, chuyển giao chuyên ngành thạc sĩ cho các cơ sở liên kết để có sự phát triển bền vững trong đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao. Qua hoạt động liên kết, nhiều cán bộ, giảng viên của Trường ĐHĐT, ĐHSG, ĐHLA, ĐH VL và ĐHTN đã hoàn thành chương trình đào tạo trinh độ thạc sĩ ở Trường ĐHV. Trường ĐHV đã cam kết chuyển giao giáo trình, tài liệu, mời cán bộ ở các cơ sở liên kết giảng dạy các chuyên đề nếu đủ điều kiện theo quy chế. Sự phối hợp này để huy động nguồn lực từ cơ sở liên kết, tạo điều kiện cho giảng viên tiếp cận với việc đào tạo trình độ thạc sĩ, giảm chi phí đào tạo.
Nhiều cán bộ của Trường ĐHĐT, ĐHSG, ĐHLA tham gia giảng dạy, hướng dẫn, tham gia chấm luận văn thạc sĩ ở các chuyên ngành. Việc đánh giá luận văn thạc sĩ được tổ chức tại các cơ sở liên kết thường có 1/3 cán bộ sở tại tham gia hội đồng. Trong quá trình liên kết đào tạo, các khoa chuyên ngành, đơn vị chức năng và các giảng viên của Trường ĐHV đã chủ động chuyển giao, trao đổi chương trình, giáo trình, tài liệu cho các cơ sở liên kết để tích lũy, học hỏi, tiến tới mở các chuyên ngành đào tạo. Các kinh nghiệm trong việc quản lý công tác tuyển sinh, tổ chức hoạt động đào tạo, đánh giá luận văn, chuẩn ngoại ngữ đầu ra,… được phối hợp, trao đổi, chuyển giao có hiệu quả. Đó là một trong những yếu tố để sau nhiều năm liên kết, Trường ĐHĐT và Trường ĐHSG đã mở được nhiều chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và trở những trung tâm đào tạo sau đại học đa lĩnh vực theo hướng nghiên cứu và ứng dụng, đáp ứng nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, miền Trung. Bên cạnh đó, Trường ĐHV tạo điều kiện giúp đỡ, bồi dưỡng, để cán bộ của các trường liên kết được đi đào tạo trình độ tiến sĩ, đăng ký ứng viên PGS tại Hội đồng chức danh cơ sở của Trường ĐHV. Đã có gần năm mươi cán bộ của các cơ sở liên kết nói trên đã và đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường ĐHV.
2.4. Cùng với đơn vị liên kết tranh thủ sự quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ có hiệu quả của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các ban ngành của TP. Hồ Chí Minh,tỉnh Long An, Đồng Tháp và các địa phương khác đối với hoạt động liên kết đào tạo. Thực hiện Nghị định 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục. Nghiên cứu, ban hành các văn bản chỉ đạo về hoạt động liên kết, xác định chỉ tiêu và nhu cầu đào tạo các chuyên ngành cần thiết, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích để học viên thuộc các quận, huyện, thị có điều kiện học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tham mưu để các địa phương có chính sách tiếp nhận, sử dụng, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ đạt trình độ đào tạo thạc sĩ. Nghiêm túc, cầu thị tiếp nhận những ý kiến đánh giá, phản biện của chính quyền địa phương về chất lượng, hiệu quả hoạt động liên kết đào tạo thạc sĩ. Những kết quả về liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ cho các địa phương ở phía nam của Trường ĐHV đã được cấc cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành GD-ĐT ở TP. Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Tháp và nhiều địa phương khác khẳng định, ghi nhận.
2.5. Phối hợp có hiệu quả hoạt động liên kết đào tạo thạc sĩ với các hoạt động khác của một cơ sở giáo dục đại học (đào tạo đại học, nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm quản lý, bồi dưỡng cán bộ,…). Không độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh trong việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chia sẻ trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học về những vấn đề cấp thiết của ngành giáo dục (đổi mới chương trình, sách giáo khoa, tổ chức kỳ thi chung,…). Qua việc liên kết đào tạo thạc sĩ, Trường ĐHV cùng phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học, trao đổi thông tin quản lý về đào tạo, về người học, hợp tác quốc tế, phát triển chương trình đào tạo, xây dựng đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chât, thực hiện nhiều hoạt động xã hội,… Việc tổ chức các đoàn cán bộ cùng trao đổi học thuật, kinh nghiệm công tác quản lý đã làm cho việc liên kết thêm toàn diện, có hiệu quả và thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo trình độ thạc sĩ.
Trong quá trình liên kết đào tạo, Trường ĐHV đã tiếp nhận được nhiều kinh nghiệm, bài học từ phía đối tác về công tác quản lý, quản trị cơ sở giáo dục, phát triển chuyên môn, tăng cường năng lực ngoại ngữ, tổ chức nghiên cứu khoa học, liên kết với doanh nghiệp, hợp tác quốc tế,... Từ hoạt động liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ, Trường ĐHV đã có những biện pháp để tái cấu trúc nhà trường, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, của nhà trường; điều chỉnh những vấn đề liên quan đến việc xây dựng đội ngũ, đổi mới chương trình, nội dung, tài liệu,…để khẳng định vị trí của trường đại học trọng điểm quốc gia trong việc phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục hiện nay. Qua tiếp xúc với giảng viên, học viên và môi trường kinh tế - xã hội của các đơn vị liên kết, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên của Trường ĐHV đã tiếp nhận được những quan niệm, tư duy kinh tế, phong cách làm việc mà ở địa bàn miền Trung đang còn phải học hỏi đồng nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, Tây Nguyên; những tình cảm chân thành, trung thực, tinh thần hiếu học, vượt khó của học viên khu vực phía nam, của các tỉnh miền Tây nam Bộ và Tây Nguyên. Theo đánh giá của cơ sở liên kết, các cán bộ, giảng viên của Trường ĐHV đã phát huy tinh thần trách nhiệm, kỷ cương, dân chủ và thái độ thân thiện, cầu thị trong quản lý, giảng dạy.
3. Kết luận
Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, các cơ sở giáo dục đang đứng trước những thời cơ và thách thức lớn, sự cạnh tranh về chất lượng đang diễn ra không chỉ trong nước. Chính vì vậy, phát triển quy mô, đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố quyết định niềm tin của xã hội đối với các cơ sở đào tạo. Vì vậy, hoạt động liên kết đào tạo thạc sĩ phải thực hiện đúng các quy định hiện hành và đáp ứng được các yêu cầu của người học, của xã hội, của đơn vị liên kết. Nếu không có hạch toán kinh tế trong hoạt động liên kết đào tạo trong giai đoạn hiện nay thì đó là một việc duy ý chí. Nhưng nếu vì theo lợi nhuận kinh tế, chỉ biết mình mà không biết người, không coi trọng chất lượng đào tạo, không đáp ứng nhu cầu của xã hội thì không những sẽ triệt tiêu kết quả hoạt động liên kết mà làm ảnh hưởng đến thương hiệu, vị thế của cơ sở đào tạo. Hiệu quả, tiến độ chuyển giao là một trong những động lực để các cơ sở giáo dục đại học liên kết bền vững trong việc đào tạo nhân lực có trình độ cao. Để tạo nên sức mạnh phát triển nguồn nhân lực cao, các cơ sở giáo dục đại học cần tiếp tục liên kết với các địa phương, các doanh nghiệp trong việc thực hiện hợp đồng ba bên để đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của kinh tế - xã hội ở từng địa bàn, từng lĩnh vực trong và ngoài nước; đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế 4.0 dựa trên nền tảng của internet hiện nay trên thế giới. Đó cũng là một trong những hoạt động mà Trường ĐHV đang tiếp tục liên kết với các cơ sở giáo dục đại học khác (trong đó có các cơ sở giáo dục đại học quốc tế), góp phần phát triển bền vững hoạt động đào tạo nhân lực có trình độ cao, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. PGS.TS Nguyễn Văn Tứ, Phòng Đào tạo sau Đại học,
Trường Đại học Vinh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2008, 2011, 2014), Quyết định 45/2008/QĐ-BGDĐT, Thông tư 10/2011/TT-BGD ĐT, Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo trình độ thạc sĩ.
[2]. Chính phủ (2016), Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt khung trình độ quốc gia
[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
[4]. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2012), Luật Giáo dục đại học, luật số 08/2012/QH13 ngày 18/6/2012