Ngày 01/8/2023, Trường Đại học Vinh đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp trường cho nghiên cứu sinh Phạm Thị Yến với đề tài “Quản lý hoạt động thực hành nghề của sinh viên đại học ngành Giáo dục mầm non theo tiếp cận năng lực”, chuyên ngành Quản lý giáo dục, mã số: 9140114. Tập thể hướng dẫn khoa học gồm PGS.TS Phạm Minh Hùng, PGS.TS. Nguyễn Thị Hường.
Tham dự buổi họp về phía cơ sở đào tạo của Trường có PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Cúc – Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo bậc sau đại học; Lãnh đạo Phòng Đào tạo Sau đại học; các cán bộ, giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của Khoa Tâm lý - Giáo dục; đồng nghiệp, bạn bè và gia đình của nghiên cứu sinh.
GS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Chủ tịch Hội đồng điều hành buổi đánh giá luận án. Hội đồng thông qua hồ sơ, lý lịch khoa học của nghiên cứu sinh Phạm Thị Yến trong suốt quá trình thực hiện đề tài luận án.
Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu trước Hội đồng, nghiên cứu sinh Phạm Thị Yến cho biết: Thực hành nghề là một trong những nội dung cốt lõi của chương trình đào tạo; là hình thức kết nối trực tiếp giữa lý luận và thực tiễn nhằm chuẩn bị tốt nhất cho công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ của những giáo viên mầm non tương lai.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa mạnh mẽ, nền giáo dục Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức rất lớn. Từ đó, tổ chức hoạt động thực hành và quản lý hoạt động thực hành của sinh viên ngành Giáo dục mầm non theo tiếp cận năng lực là vấn đề có tính cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng. Vì thế, nghiên cứu sinh đã chọn đề tài luận án “Quản lý hoạt động thực hành nghề của sinh viên đại học ngành Giáo dục mầm non theo tiếp cận năng lực” với mục tiêu đề xuất các giải pháp quản lý hoạt động thực hành nghề của sinh viên đại học ngành Giáo dục mầm non theo tiếp cận năng lực, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên đại học ngành Giáo dục mầm non hiện nay.
Luận án của nghiên cứu sinh Phạm Thị Yến có những điểm mới sau đây:
1. Tổng quan được các công trình nghiên cứu đã công bố trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài quản lý hoạt động thực hành nghề của sinh viên đại học ngành Giáo dục mầm non theo tiếp cận năng lực; khái quát những kết quả đạt được của các công trình đó và xác định rõ những vấn đề luận án tiếp tục nghiên cứu.
2. Xây dựng được cơ sở lí luận của hoạt động thực hành và quản lý hoạt động thực hành nghề của sinh viên đại học ngành Giáo dục mầm non theo tiếp cận năng lực.
3. Tiến hành khảo sát, đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng hoạt động thực hành và quản lý hoạt động thực hành nghề của sinh viên đại học ngành Giáo dục mầm non theo tiếp cận năng lực. Đồng thời chỉ ra được những hạn chế bất cập trong quản lý hoạt động thực hành nghề của sinh viên đại học ngành Giáo dục mầm non trong giai đoạn hiện nay.
4. Luận án đã đề xuất sáu biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động thực hành nghề của sinh viên đại học ngành Giáo dục mầm non theo tiếp cận năng lực.
5. Tiến hành khảo nghiệm tính cấp thiết, tính khả thi của các biện pháp và lựa chọn 01 biện pháp để thử nghiệm. Từ kết quả thử nghiệm cho phép khẳng định cơ sở khoa học và tính khả thi của biện pháp đã đề xuất.
Sau khi lắng nghe nghiên cứu sinh trình bày kết quả nghiên cứu và trả lời các câu hỏi của các ủy viên phản biện và các thành viên Hội đồng, Hội đồng chấm luận án đã họp riêng đánh giá cao kết quả nghiên cứu và phần báo cáo tóm tắt luận án của nghiên cứu sinh, khẳng định luận án có giá trị khoa học và thực tiễn. Thay mặt Hội đồng chấm luận án, GS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc công bố 100% thành viên Hội đồng nhất trí thông qua kết quả nghiên cứu của NCS và đề nghị cơ sở đào tạo công nhận nghiên cứu sinh Phạm Thị Yến đạt học vị Tiến sĩ chuyên ngành.
Một số hình ảnh tại buổi đánh giá luận án tiến sĩ của NCS Phạm Thị Yến.
Tin và bài: Phòng Đào tạo Sau đại học.