PGS.TS. Nguyễn Văn Tứ

1. Mở đầu

Nâng cao chất lượng giáo dục (GD) phổ thông đang là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) và được xã hội quan tâm. Lý luận và thực tiễn đã chỉ ra rằng, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD có ý nghĩa then chốt đối với việc nâng cao chất lượng GD phổ thông, góp phần thực hiện mục tiêu “nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Điều đó đã được khẳng định trong các văn kiện về GD-ĐT của Đảng, Quốc hội, Nhà nước như Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, Nghị quyết 29 của Hội nghị TW 8 (khóa XI), Nghị quyết 88 của Quốc hội, Chiến lược phát triển GD giai đoạn 2011-2020,... Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông chính là đào tạo, bồi dưỡng trình độ sau đại học (chủ yếu là trình độ thạc sĩ) cho đội ngũ giáo viên ở các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Chính vì vậy, cùng với hệ thống GD-ĐT nói chung, các cơ sở đào tạo (CSĐT) trình độ đại học và sau đại học, trong đó có các CSĐT giáo viên (GV), giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông (GVPT) bằng hoạt động đào tạo trình độ thạc sĩ cho GD phổ thông. Chúng tôi xin trình bày một số ý kiến về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo (ĐT) trình độ thạc sĩ khoa học GD, đặc biệt là mã ngành Giáo dục học (mã ngành ĐT: 8140101), mã ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn (mã ngành ĐT: 8140111) ở các CSĐT sẽ có tác động lớn đối với việc phát triển đội ngũ GVPT hiện nay.

2. Đội ngũ giáo viên phổ thông với việc đào tạo trình độ thạc sĩ của các cơ sở giáo dục đại học

Lý luận và thực tiễn đã khẳng định rằng, trình độ ĐT là yếu tố quan trọng để đội ngũ GVPT nâng cao chất lượng giảng dạy và hoạt động GD. Tính chuyên sâu về nội dung môn học và phù hợp với đối tượng, môi trường dạy học sẽ tạo điều kiện cho người GV áp dụng được kiến thức, kỹ năng được ĐT vào hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học GD trong thực tiễn, làm cơ sở cho quá trình tự học, tự bồi dưỡng. Điều này đã được các văn bản hiện hành quy định về chuẩn nghề nghiệp của GV ở các cấp học, bậc học [1].

Năng lực dạy học của GVPT không chỉ được cung cấp, rèn luyện trong chương trình ĐT ở cao đẳng, đại học, trong quá trình công tác mà còn được bổ sung, cập nhật, nâng cao trong các chương trình ĐT, bồi dưỡng theo chu kỳ, thường xuyên hoặc qua các trình độ ĐT cao hơn. Tham gia học trình độ thạc sĩ để tạo nên sự chuyển biến về chuẩn nghề nghiệp của đội ngũ GVPT. Đây chính là quá trình phát triển bền vững nguồn nhân lực có trình độ cao của ngành GD-ĐT.

Trong bối cảnh kinh tế tri thức, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.0, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, GD đã chuyển từ tiếp cận tri thức sang tiếp cận năng lực, từ GD tinh hoa sang GD đại chúng. Sự thay đổi về nhu cầu xã hội, về đặc điểm người học, môi trường GD, đòi hỏi nhà trường phải đổi mới mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và các điều kiện đảm bảo. Nếu đội ngũ GVPT không cập nhật được những thay đổi, không những không hoàn thành được nhiệm vụ mà có nguy cơ bị tụt hậu, đào thải.

Đối với đội ngũ GVPT, việc đạt và vượt chuẩn nghề nghiệp theo quy định đã được nhận thức một cách sâu sắc. Trình độ ĐT, kỹ năng sư phạm, nhân cách nhà giáo, trình độ tiếng Anh, tin học,... là những yêu cầu để mỗi GV có thể đảm nhận trọng trách giúp HS “học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình”. Các cơ sở GD đại học tổ chức ĐT trình độ thạc sĩ các mã ngành Giáo dục học (GDH) và Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn (PPDH) đang góp phần thực hiện nhanh, bền vững yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ GVPT, cả về số lượng, cơ cấu và trình độ.

Đội ngũ GVPT hiện nay được nâng cao trình độ bằng việc học thạc sĩ mã ngành thuộc khoa học cơ bản và các mã ngành GDH - PPDH. Việc tham gia học các mã ngành khoa học cơ bản hay các mã ngành GDH - PPDH có thể không ảnh hưởng gì đến về chuẩn đội ngũ GVPT. Tuy nhiên, trong thực tế, đối với GV đang trực tiếp giảng dạy ở các trường phổ thông, nếu tham gia học các mã ngành Giáo dục học (mã ngành: 8140101), mã ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn (mã ngành: 8140111) thì sẽ có lợi thế nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng GD phổ thông hiện nay.

Trên nền tảng những kiến thức của khoa học cơ bản được cung cấp ở đại học và một số học phần chung ở chương trình ĐT trình độ thạc sĩ, người học các mã ngành GDH - PPDH sẽ đi chuyên sâu vào những vấn đề cơ bản của khoa học GD, của lý luận và phương pháp dạy học bộ môn cụ thể. Người học được trang bị những kiến thức, kỹ năng của một nhà khoa học, nhà GD để phát triển phẩm chất, năng lực HS phổ thông theo mục tiêu của cấp học. Nội dung các học phần cung cấp, trang bị những vấn đề về mục tiêu, nội dung, phương pháp, quy trình dạy học, tài liệu dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS, xử lý các tình huống trong GD, tích hợp và phân hóa trong hoạt động dạy học. Người học sẽ lý giải được các câu hỏi liên quan đến hoạt động dạy học bộ môn: Dạy nội dung gì? Dạy bằng cách nào? Tại sao lại dạy nội dung và cách như vậy? Tổ chức dạy học tích hợp, hoạt động trải nghiệm, phát triển nội dung dạy học như thế nào để phù hợp với đối tượng HS và môi trường sống cụ thể? Dạy học không chỉ làm cho HS nắm được kiến thức mà quan trọng, làm cho các em có được phương pháp để tìm kiếm kiến thức và vận dụng kiến thức ấy vào giải quyết những vấn đề cụ thể của cuộc sống. Nói cách khác, GVPT sẽ đạt hiệu quả cao hơn, bền vững hơn khi GD những phẩm chất và năng lực cho HSPT qua một môn học, nội dung dạy học cụ thể ở trường phổ thông. Thực tế đã có những nội dung dạy học không phù hợp với những quy luật của giáo dục học (chi tiết cuối của truyện cổ tích Tấm Cám, bài toán 5 ngón tay, bài đồng dao về từ liên tưởng,...).

Ở nhiều nước trên thế giới, nội dung đào tạo, thời gian và quy trình đào tạo, bố trí sử dụng GVPT tùy thuộc vào triết lý GD của quốc gia đó. Nội dung đào tạo GV ở các cơ sở đào tạo tùy thuộc vào chương trình giảng dạy ở trường phổ thông, thường được cụ thể hóa theo từng khu vực (bang, thành phố, tỉnh) trên cơ sở chương trình khung của quốc gia. Việc đào tạo, sử dụng GV ở các nước phát triển có những đặc điểm chung: được đào tạo ở các trường sư phạm hoặc các trường khoa học cơ bản, nội dung đào tạo bám sát chương trình giáo dục phổ thông, chương trình đào tạo có 3 khối kiến thức cơ bản (kiến thức đại cương và chuyên ngành, kiến thức khoa học giáo dục, thực tập sư phạm), có gấy phép được làm nghề GV, được bồi dưỡng theo chu kỳ. ỞHoa Kỳ, những người được bố trí, cấp phép làm GV là những người đã tốt nghiệp đại học ở các ngành khoa học cơ bản tương ứng (cử nhân khoa học), tham gia chương trình đào tạo GV và trải qua một năm thực tập ở trường phổ thông; thời gian là 4 - 5 năm. Ở Cộng hòa liên bang Đức, chương trình giáo dục phổ thông (và dạy nghề) được phân hóa từ bậc trung học cơ sở. Với sự phong phú, đa dạng, phân hóa và tích hợp trong chương trình dạy học và quy định ở mỗi tiểu bang nên việc đào tạo GV cũng có những điểm khác biệt. Chuẩn đào tạo GV được xây dựng dựa trên mô hình năng lực nghề nghiệp với các lĩnh vực chủ yếu: năng lực dạy học, năng lực giáo dục, năng lực đánh giá, năng lực đổi mới và phát triển. Mô hình đào tạo GV ở Đức trước năm 1980 được đào tạo trong các trường sư phạm, về sau được đào tạo trong các trước đa ngành, được quy định thời gian là 10 học kỳ tương đương 100 tín chỉ, với 2 bậc: bậc Bachelor (2-4 học kỳ tương đương 60-120 tín chỉ) và bậc Master (6-8 học kỳ tương đương 180-240 tín chỉ). Để hoàn thành chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, GV tiểu học và THCS phải học 3 học kỳ, GV trường THPT phải học 4 học kỳ (bao gồm cả thực tập phổ thông). Ở Vương quốc Anh, việc đào tạo GVPT được thực hiện khi người học chưa tốt nghiệp đại học hoặc sau khi tốt nghiệp đại học, đào tạo GV dựa theo nhu cầu tuyển dụng, đào tạo GV dựa vào đánh giá năng lực,... Ở Nhật Bản, chương trình GD phổ thông quốc gia được cụ thể hóa trong các chương trình, sách giáo khoa cụ thể ở các tỉnh, thành phố. GV được đào tạo ở bậc cao đẳng hay đại học đều phải đảm bảo chương trình bao gồm: kiến thức chung, chuyên môn, môn học sư phạm, môn giảng dạy (bao gồm cả thực hành) và thực tập tốt nghiệp. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo sư phạm, muốn giảng dạy ở các trường phổ thông, GV phải được giấy phép của cơ quan quản lý [4], [5].

3. Một số ý kiến về việc nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo trình độ thạc sĩ cho đội ngũ giáo viên phổ thông

Hiện nay, hoạt động ĐT trình độ thạc sĩ về Giáo dục học (bậc tiểu học) và Lý luận dạy học bộ môn đang được triển khai ở các cơ sở GD đại học ở Thái Nguyên, Hà Nội, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Cần Thơ,.... Vấn đề quan trọng là, các CSĐT cần phải đổi mới hoạt động ĐT trình độ thạc sĩ để đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao chất lượng GD phổ thông. Nâng cao chất lượng ĐT trình độ thạc sĩ khoa học GD nói chung, các mã ngành lý luận và phương pháp dạy học bộ môn nói riêng là một trong những giải pháp vừa có tính cấp bách, vừa có tính chất lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển đội ngũ GVPT, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đó không chỉ là nhiệm vụ của các CSĐT trình độ thạc sĩ mà còn là trách nhiệm của các cấp quản lý GD và các ban ngành liên quan.

Thứ nhấtcần xác định đúng mối quan hệ hữu cơ giữa kiến thức khoa học cơ bản và kiến thức khoa học giáo dục trong đào tạo giáo viên bộ môn ở trường phổ thông. Các học phần chung của LL và PP dạy học cùng với các chuyên ngành khoa học cơ bản là nhằm xác định mối quan hệ biện chứng giữa kiến thức nền tảng (khoa học cơ bản) với kiến thức về lý luận giáo dục (dạy học bộ môn). Điều này khẳng định một quy luật: người giáo viên muốn giảng dạy được phải có một nền tảng kiến thức cơ bản về bộ môn dạy học và muốn giảng dạy tốt tốt có những kiến thức, kỹ năng về lý luận và phương pháp dạy học bộ môn tương ứng.

Hiện nay, đội ngũ GVPT (giảng dạy tại các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) được đào tạo chủ yếu ở các trường sư phạm (cao đẳng, đại học). Một bộ phận nhỏ được đào tạo chuyên môn về khoa học cơ bản (cử nhân khoa học), nhưng đã hoàn thành các chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nên được các trường phổ thông tiếp nhận, bố trí giảng dạy theo các quy định hiện hành. Thời gian đào tạo 3-4 năm (tùy thuộc vào trình độ) với khung kiến thức bao gồm những kiến thức đại cương, kiến thức chuyên ngành, kiến thức khoa học giáo dục và thực hành, thực tập sư phạm.

Một điều cần phải khẳng định rằng, người GVPT không thể giảng dạy tốt nếu không có được những kiến thức cơ bản của môn học, nội dung giảng dạy. Tuy nhiên, nếu chỉ nắm được kiến thức giảng dạy mà không có được phương pháp giảng dạy khoa học thì cũng không làm tốt được nhiệm vụ của người GVPT. Trường phổ thông có nhiệm vụ phát triển năng lực HS thông qua các môn học cụ thể, chứ chưa phải là đào tạo các em trở thành những nhà khoa học. Trong việc dạy học các môn học ở trường phổ thông, người GV phải tổng hòa trình độ, năng lực, phẩm chất, kỹ năng của một nhà khoa học cơ bản và của một nhà khoa học giáo dục.

Vì vậy, dù mô hình đào tạo GVPT dù là: a) Đào tạo 3-4 năm ở trường sư phạm (học kiến thức đại cương, chuyên ngành + học về giáo dục học + thực tập); b) Đào tạo 3-4 năm (cao đẳng, cử nhân khoa học) ở trường đại học chuyên ngành + kiến thức về giáo dục học + thực tập) thì mối quan hệ giữa kiến thức khoa học cơ bản và kiến thức về khoa học giáo dục luôn luôn được xác định. Đây là một mô hình đã được khẳng định trong đào tạo GVPT ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Thứ haităng quy mô hợp lý và đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo trình độ thạc sĩ các mã ngành giáo dục học và phương pháp giảng dạy. Thay đổi nhận thức của đội ngũ GVPT về học thạc sĩ (để phát triển năng lực dạy học và GD chứ không phải chỉ đạt bằng cấp). Chuẩn đầu ra của các ngành ĐT trình độ thạc sĩ các mã ngành GDH - PPDH sẽ đảm bảo cho đội ngũ GVPT có trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, nhân cách nhà giáo, trình độ tin học và tiếng Anh ở một mức độ chuẩn nghề nghiệp cao hơn so với những GVPT khác.

Tổ chuyên môn, các trường phổ thông, các cấp quản lý GD (phòng, sở) khuyến khích, động viên GVPT tham gia ĐT trình độ thạc sĩ về các mã ngành GDH - PPDH để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của nhà trường. Tuy nhiên, việc cử đi học cần đảm bảo chất lượng, tránh việc hình thức hóa bằng cấp cho đội ngũ GV. Định hướng cho số sinh viên tốt nghiệp đại học đủ điều kiện để học thạc sĩ các mã ngành GDH - PPDH một cách phù hợp, tránh hiện tượng thạc sĩ tốt nghiệp không có việc làm.

Kiểm soát chặt chẽ đầu vào ĐT trình độ thạc sĩ trong bối cảnh có quá nhiều cơ sở GD đại học tham gia ĐT GV và chưa kiểm soát chặt chẽ hình thức ĐT tại chức, từ xa (một số cơ sở dạy nghề cũng được ĐT và cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho GVPT). Đội ngũ cán bộ quản lý, các tổ trưởng chuyên môn cần đi học các chuyên ngành GDH - PPDH phù hợp với trình độ được ĐT ở bậc đại học, không nên tập trung vào học thạc sĩ mã ngành quản lý GD như các năm vừa qua. Tăng cường kiểm soát chất lượng ở các lớp liên kết ĐT ở ngoài CSĐT.

Thứ baphát triển chương trình đào tạo và mở các mã ngành đào tạo mới để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên phổ thông. Các học phần chương trình ĐT thạc sĩ mã ngành GDH - PPDH cần tiếp cận, chuyên sâu vào những vấn đề đổi mới của GD phổ thông: tích hợp và phân hóa, mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học, đa dạng hóa hình thức và phương pháp hoạt động GD, phát huy tính chủ động của HS, tổ chức hoạt động trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp qua hoạt động GD, địa phương hóa nội dung dạy học. Nội dung các học phần phải kết hợp giữa khoa học cơ bản và khoa học giáo dục, giữa tri thức nền tảng và tri thức phương pháp; giữa những kết quả đã được khẳng định với việc cập nhật những thành tựu mới, hiện đại về phương pháp GD, dạy học.

Phát triển chương trình ĐT trình độ thạc sĩ các mã ngành GDH - PPDH theo hướng tích hợp và liên môn, liên ngành để phục vụ yêu cầu đổi mới GD phổ thông hiện nay (đặc biệt là GV dạy học ở trung học cơ sở), đảm bảo việc giảng dạy các nội dung về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, hoạt động trải nghiệm, các nội dung dạy học mới,... Trên cơ sở danh mục mã ngành đào tạo cấp IV [3], đề nghị các cấp cho thẩm quyền cho phép mở các mã ngành đào tạo trình độ thạc sĩ GDH - PPDH phù hợp với nhu cầu thực tế của trường phổ thông. Thực tế đã có một số mã ngành thạc sĩ ở các CSĐT sau đại học hiện nay không còn người học vì không còn thỏa mãn với nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội; một số cơ sở đào tạo đang chuẩn bị mở các mã ngành mới phục vụ dạy học liên môn, tích hợp, trải nghiệm sáng tạo, các môn học mới của chương trình GD phổ thông sau năm 2018.

Hoạt động phát triển chương trình, nội dung các học phần của các mã ngành GDH - PPDH cần phát huy vai trò của người học trong việc phản ánh, kiến nghị những ưu điểm, khuyết điểm trong lý luận và thực tiễn dạy học bộ môn. Tăng cường sự phản biện của đội ngũ GVPT về chương trình, nội dung ĐT trình độ thạc sĩ; xác định tính hiệu quả, bền vững của chương trình, nội dung ĐT trình độ thạc sĩ đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy học và trình độ đội ngũ GVPT. Tăng cường phát triển các mã ngành GDH - PPDH theo hướng nghiên cứu ứng dụng để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thực tiễn GD phổ thông hiện nay.

Phát triển chương trình ĐT, mở mã ngành mới đi đôi với việc tăng cường kiểm định chất lượng quá trình ĐT trình độ thạc sĩ các mã ngành GDH - PPDH từ tuyển sinh, quản lý ĐT, kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra, đánh giá luận văn tốt nghiệp, đội ngũ giảng viên, các điều kiện đảm bảo khác. Liên thông, kết nối với chương trình ĐT trình độ đại học, trình độ tiến sĩ. Học tập các chương trình ĐT trình độ sau đại học của các nước tiên tiến, tiếp cận với chuẩn mực và kinh nghiệm quốc tế về phát triển đội ngũ GVPT có trình độ thạc sĩ; kết hợp chặt chẽ giữa khoa học cơ bản và khoa học GD, tích hợp liên môn để đáp ứng nhu cầu dạy học tích hợp ở trường phổ thông hiện nay. Nghiên cứu, vận dụng, phát triển các phương pháp, phương tiện, hình thức dạy học hiện đại phù hợp với mục tiêu, nội dung dạy học, đối tượng và hoàn cảnh học tập môn học của GVPT Việt Nam sau năm 2018.

Thứ tưgắn kết hoạt động nghiên cứu trong quá trình đào tạo trình độ thạc sĩ với thực tiễn hoạt động dạy học ở phổ thông. Trong quá trình giảng dạy các học phần, cần tăng cường các bài tập lớn, thi học phần, chủ đề xemia, đề tài luận văn,... gắn với những yêu cầu thực tiễn của hoạt động dạy học ở trường phổ thông đang đặt ra. Từ những lý luận về GD và dạy học bộ môn, từ kinh nghiệm thực tiễn của người GV bộ môn ở trường phổ thông, người học sẽ có những đề xuất, giải pháp mang tính cần thiết, khả thi, có thể áp dụng vào thực thực tiễn dạy học. Phân hóa vùng miền trong ĐT trình độ thạc sĩ các mã ngành GDH - PPDH để góp phần giải quyết những vấn đề cụ thể ở các cấp học, lớp học, môn học, hoạt động GD ở các huyện, tỉnh cụ thể và đối tượng HS. Có các khóa ĐT trình độ thạc sĩ phù hợp với GVPT giảng dạy ở vùng dân tộc thiểu số, các địa bàn có tính chuyên biệt.

Lựa chọn các đề tài nghiên cứu, các cụm vấn đề nghiên cứu trong luận văn thạc sĩ để tạo điều kiện cho việc nghiên cứu theo nhóm, huy động đội ngũ GVPT cùng tham gia giải quyết những bài toán mà GD và hoạt động dạy học các môn học ở trường phổ thông đang đặt ra. Vấn đề nghiên cứu ấy không những được thực hiện trong thời gian học thạc sĩ mà còn được GVPT tiếp tục bổ sung, mở rộng, phát triển trong quá trình công tác, giảng dạy, bồi dưỡng về sau. Các bài thi học phần nên thực hiện dưới hình thức tiểu luận, bài tập nghiên cứu ứng dụng để giải quyết những vấn đề cập nhật trong giáo dục và dạy học ở trường phổ thông hiện nay.

Thứ nămkhông ngừng tăng cường sự liên kết giữa các cấp quản lý giáo dục phổ thông với các cơ sở giáo dục đại học về việc quản lý quá trình đào tạo trình độ thạc sĩ các mã ngành giáo dục học và phương pháp giảng dạy. Xây dựng kế hoạch của Phòng, Sở về việc bố trí GVPT đi đào tạo trình độ thạc sĩ theo theo thông báo tuyển sinh của CSĐT. Ưu tiên những GVPT đăng ký đi học các chuyên ngành GDH - PPDH nhằm giải quyết những vấn đề về hoạt động dạy học ở các trường phổ thông trên địa bàn.

Xác định mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ GVPT (đạt trình độ thạc sĩ) là trách nhiệm chính của các cấp quản lý GD phổ thông. Thực hiện ký kết giữa các cấp quản lý GD (trường, phòng, sở, huyện, tỉnh,...) với CSĐT về số lượng, chất lượng, cơ cấu ĐT trình độ thạc sĩ về các mã ngành GDH - PPDH. Tạo điều kiện để tổ chức nhiều học phần học tại địa bàn để giảm chi phí cho người học, tạo điều kiện cho GVPT vừa đảm bảo học tập theo đúng quy chế, vừa thực hiện công tác giảng dạy ở trường.

Các cấp quản lý GD với tư cách là đơn vị sử dụng kết quả ĐT trình độ thạc sĩ, cần cử các chuyên gia tham gia giảng dạy, hướng dẫn luận văn, đánh giá kết quả học tập, đặc biệt là việc thẩm định, phản biện kết quả nghiên cứu, ứng dụng của học viên đã tốt nghiệp trình độ thác sĩ các mã ngành GDH - PPDH. Triển khai lấy phiếu đánh giá, nhận xét của trường phổ thông, các cấp quản lý GD về hiệu quả thực tế của vấn đề nghiên cứu trong hồ sơ đánh giá chất lượng luận văn cao học.

Cấp quản lý GD cử GV đi học thạc sĩ cần có quy định người học phải ứng dụng được các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; trường phổ thông tổ chức cho GV vừa tốt nghiệp thạc sĩ báo cáo kết quả nghiên cứu (luận văn) của mình trước hội đồng sư phạm; có chế độ tuyển chọn, bố trí GV đạt trình độ thạc sĩ tham gia, chủ trì, quản lý các hoạt động GD và dạy học quan trọng ở trường phổ thông.

Gắn hoạt động ĐT trình độ thạc sĩ ở các mã ngành GDH - PPDH với chương trình, nội dung bồi dưỡng GVPT phục vụ thực hiện Chương trình GD phổ thông mới; đảm bảo tính liên thông, kế thừa, tránh sự chồng chéo và lãng phí về thời gian, nội dung, kinh phí, cơ quan quản lý cũng như của người học, của xã hội. Tăng cường sự liên kết giữa ĐT thạc sĩ các mã ngành GDH - PPDH với hoạt động nghiên cứu khoa học GD, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn ở trường phổ thông.

Thứ sáuđảm bảo các điều kiện và hiệu lực hóa việc tạo động lực để nâng cao chất lượng đào tạo trình độ thạc sĩ các mã ngành GDH - PPDH. Các cơ sở ĐT trình độ thạc sĩ về GDH - PPDH cần đảm bảo đầy đủ tài liệu, giáo trình, tạp chí liên quan đến khoa học GD, lý luận dạy học bộ môn cho giảng viên và học viên trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu, học tập, vận dụng. Những kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học Giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), Tạp chí Giáo dục (Bộ GD-ĐT), tạp chí khoa học của các viện nghiên cứu, các trường đại học,... là những tài liệu tốt cho học viên các mã ngành GDH - PPDH.

Tăng cường các phòng thí nghiệm, thực hành ở các CSĐT trình độ thạc sĩ để phục vụ tốt cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, học tập; cung cấp tri thức và rèn luyện các kỹ năng thao tác thực hành, thí nghiệm của người học liên quan đến việc dạy học bộ môn ở trường phổ thông. Xây dựng môi trường thực tập, thực nghiệm, hệ thống các trường thực hành ở trong và ngoài CSĐT trình độ thạc sĩ. Có như vậy, học viên được cơ hội tìm hiểu, khảo sát, vận dụng, thử nghiệm, thực nghiệm những kết quả nghiên cứu về giáo dục học, về lý luận và phương pháp dạy học bộ môn dưới sự hướng dẫn, tư vấn của các giảng viên và các GVPT có trình độ, kinh nghiệm.

Thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện về thời gian và kinh phí cho GVPT đi học thạc sĩ theo kế hoạch của cơ quan chủ quản cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng ĐT các mã ngành GDH - PPDH. Hiện nay, trừ một số trường hợp được cơ quan chủ quản hỗ trợ kinh phí (trước và sau ĐT), còn phần lớn đội ngũ GVPT chỉ mong muốn được cơ quan chủ quản bố trí, sắp xếp thời gian, tạo điều kiện vừa đảm bảo việc dạy, vừa hoàn thành có chất lượng việc học. Nhiều cơ sở quản lý GD phổ thông hiện nay đã có những biện pháp khuyến khích, ưu tiên hơn đối với những GVPT đi học thạc sĩ các mã ngành GDH - PPDH. Cần bổ sung tiêu chí về đạt trình độ thạc sĩ GDH - PPDH như là một tiêu chuẩn để thực hiện chế độ tuyển chọn, bố trí, đề bạt, nâng lương,... cho đội ngũ GV đang công tác tại các trường phổ thông, nhất là trong điều kiện dư thừa nhân lực GD hiện nay. Phải tạo việc làm và thu nhập ổn định cho đội ngũ GVPT để tạo động lực cho việc phấn đấu trong nghề nghiệp (trong đó có việc đi học thạc sĩ) để tăng quy mô và chất lượng ĐT trình độ thạc sĩ các mã ngành GDH - PPDH.

4. Kết luận

Để nâng cao chất lượng hoạt động ĐT trình độ thạc sĩ đáp ứng yêu cầu đổi mới GD phổ thông, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ở trong và ngoài ngành GD. Nhiệm vụ quy hoạch lại mạng lưới các CSĐT GV; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD đại học; đảm bảo các điều kiện để các cơ sở GD đại học phát huy vai trò trong việc thực hiện chương trình GD phổ thông mới; vận dụng sáng tạo các kinh nghiệm quốc tế;… sẽ có tác động đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả ĐT trình độ thạc sĩ các mã ngành GDH - PPDH, góp phần đổi mới GD phổ thông. Vấn đề quan trọng là nâng cao trách nhiệm của đội ngũ giảng viên và đổi mới cơ chế quản lý của các cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ. Bên cạnh sự nỗ lực của đội ngũ GVPT, của cơ quan quản lý giáo dục phổ thông, của các CSĐT sau đại học, cần có việc kiểm tra, quản lý, giám sát của các cấp quản lý, các ngành từ trung ương đến địa phương, để việc ĐT trình độ thạc sĩ các mã ngành GDH - PPDH đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT hiện nay.

 

Tài liệu tham khảo

[1]. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2011). Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung học phổ thông nhiều cấp học.

[2]. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014). Thông tư 15/2014/TT-BGD ĐT ngày 15/5/2014 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc ban hành quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ

[3]. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Thông tư số 25/2017/T-BGD ĐT ngày 10/10/2017 của Bộ GD-ĐT về việc ban hành danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

[4]. Nguyễn Quang Kính (2013). Kinh nghiệm đào tạo giáo viên ở một số nước trên thế giới. Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 97 - 98, tháng 10-11/2013

[5]. Nhiều tác giả (2011). Giới thiệu mô hình đào tạo giáo viên trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp ở một số quốc gia và bài học kinh nghiệm, NXB Giáo dục Việt Nam, H.2011

[6]. Đặng Ngọc Phúc (2014). Đổi mới và hoàn thiện quá trình đào tạo trình độ thạc sĩ ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội theo hướng đảm bảo chất lượng, Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 104, tháng 5/2014

[7]. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (2016). Trường sư phạm trong phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên phổ thông đáp ứng chương trình giáo dục mới, Kỷ yếu Hội thảo, tháng 5-2016

[8]. Nguyễn Văn Tứ (2014). Tích hợp và phân hóa trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên môn Ngữ văn, Tạp chí Quản lý Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục), số 65, tháng 10/2014, tr.47-49

[9]. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2014). Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.