Tên luận án: Vấn đề người trí thức trong tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1975 

Họ và tên của nghiên cứu sinh: Hồ Thị Phương Mai

Ngành khoa học của luận án: Văn học Việt Nam

Mã số: 9220121

Tập thể hướng dẫn: PGS.TS. Phan Huy Dũng 

Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Vinh

NHỮNG KẾT LUẬN MỚI CỦA LUẬN ÁN  

1. Cho đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu về người trí thức trong tiểu thuyết hiện đại Việt Nam, nhưng việc khảo sát có hệ thống và trên diện rộng về đối tượng này vẫn còn không ít hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Từ thực tế đó, luận án đã nghiên cứu về vấn đề người trí thức trong tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1975 với những tìm tòi, đóng góp của các nhà văn trong việc thể hiện những vấn đề của giới trí thức Việt Nam thời kì hậu chiến và thời kỳ đổi mới, nhằm nhận diện chính xác quan điểm, tầm nhìn, bản lĩnh của họ trước nhiều vấn đề của nghệ thuật, của con người và xã hội. Cũng qua khảo sát đối tượng này, người nghiên cứu có thêm căn cứ để nhận định chính xác về tầm vóc tư tưởng - thẩm mỹ của cả một nền văn học. 

2. Luận án khảo sát, phân tích tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1975 với cái nhìn hệ thống, đi sâu tìm hiểu những vấn đề vừa có tính muôn thuở vừa có tính thời sự của giới trí thức mà các nhà văn đặt ra trong đó - những vấn đề đòi hỏi người cầm bút phải có tài năng mới có thể phát hiện và thể hiện, phải có rất nhiều can đảm và ý thức trách nhiệm mới có thể lên tiếng.  

- Về mặt lý luận, luận án cố gắng làm rõ vấn đề: nhận thức, tư duy của nhà văn về người trí thức đã chi phối như thế nào đến cách thể hiện đề tài người trí thức trong tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1975. 

- Về mặt thực tiễn, luận án góp phần lí giải sự vận động theo hướng trí thức hoá của một bộ phận tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1975, trong đó người trí thức xuất hiện vừa với tư cách vừa là đối tượng thẩm mỹ vừa với tư cách là chủ thể sáng tạo. 

3. Luận án hướng đến làm rõ sự ý thức của các nhà văn về đối tượng mà họ lựa chọn thể hiện với toàn bộ tính phức tạp của nó, trong đó có việc khảo tả đời sống giới trí thức bằng phương tiện đặc thù của văn học và đề xuất cách nhìn nhận, ứng xử phù hợp đối với tầng lớp xã hội này. Theo định hướng đó, mặc dù việc tìm hiểu đặc điểm nhân vật trí thức hay hình tượng người trí thức trong tiểu thuyết được xác định là một nội dung quan trọng của luận án, nhưng đích hướng đến của công việc này lại là làm nổi bật những trăn trở của các nhà văn về con đường phát triển của toàn xã hội Việt Nam trong thời đại mới, xuất phát từ việc nghiền ngẫm về cuộc sống và thân phận của người trí thức. 

Các thông tin liên quan đến luận án xem trong file đính kèm.

la_ncs_ho_thi_phuong_mai.rar