Tên đề tài luận án: Đặc trưng ngôn ngữ - văn hóa của từ ngữ nghề nông Nghệ Tĩnh
Chuyên ngành: Ngôn ngữ Việt Nam
Mã số: 9220102
Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Phước Mỹ
Người hướng dẫn: PGS.TS. Hoàng Trọng Canh
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Vinh
Những kết luận mới của luận án
1. Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu cấu tạo, định danh, văn hóa của từ ngữ nghề nông Nghệ Tĩnh một cách toàn diện. Luận án là một công trình độc lập về ngữ liệu cũng như phương pháp, thao tác phân tích ngôn ngữ - văn hóa học cùng các kết quả nghiên cứu. Phụ lục có thể làm từ điển nghề nông.
2. Về mặt lý luận, luận án được triển khai thống nhất, triệt để với một bộ các khái niệm ngôn ngữ học, nhất là ngôn ngữ - văn hóa học (về từ, ngữ tiếng Việt, về định danh, về ngôn ngữ - văn hóa) và thể hiện chính kiến riêng của nghiên cứu sinh với nội dung khảo cứu. Trong luận án, chúng tôi đã ứng dụng các hiểu biết phổ quát này nhất quán và chú ý tìm đặc trưng phương ngữ nghề nông xứ Nghệ; cho thấy được cách hiểu về mối tương quan giữa từ nghề nghiệp (nông) và từ địa phương; thể hiện nhận thức mới về quan hệ võ đoán và lí do đặt tên của từ và cho định danh nghề nông là định danh phái sinh.
3. Luận án tiếp thu, kế thừa các công trình có liên quan với một thái độ đúng đắn, khách quan. Luận án cho được các kết quả mới, làm nổi bật đặc trưng nghề nông và địa văn hóa Nghệ Tĩnh. Kết quả luận án sẽ góp phần soi sáng thêm cho lý luận về từ ngữ nghề nghiệp nói chung và từ ngữ nghề nông Nghệ Tĩnh nói riêng.
4. Luận án đã thu thập, điền dã một khối liệu 4091 từ ngữ và sắp xếp theo dạng từ điển rất hệ thống, đầy đủ. Luận án nghiên cứu toàn diện từ nghề nông Nghệ Tĩnh từ bình diện ngôn ngữ - văn hóa, tạo nên tính quy mô, tính mới mẻ, tính cặn kẽ và cũng là đóng góp mới của luận án này. Luận án khảo sát cặn kẽ với các tỷ số đáng tin cậy về các kiểu đơn vị cấu tạo nghề nông Nghệ Tĩnh: từ đơn, từ ghép, từ láy, ngữ định danh và các mô hình cấu tạo. Phân tích quan hệ nghĩa các thành tố trực tiếp trong danh ngữ chuẩn xác; khu biệt hóa các đặc trưng mang tính phương ngữ Nghệ Tĩnh.
5. Từ ngữ nghề nông Nghệ Tĩnh có phạm vi phản ánh không rộng nhưng rất phong phú và đa dạng. Sự phong phú của từ vựng nghề nông Nghệ Tĩnh phản ánh hiện thực phong phú của nghề, của vùng đất, cũng như cho thấy sự gắn bó mật thiết, lâu đời của cư dân làm nghề nơi đây với đồng ruộng và nghề nghiệp.
6. Số lượng, tỉ lệ các loại từ ngữ nghề nông Nghệ Tĩnh có sự chênh lệch đáng kể. Từ ghép chiếm đại đa số, đặc biệt là từ ghép phân nghĩa được sử dụng với số lượng lớn, tần số cao không chỉ phản ánh các đặc điểm của phương ngữ mà còn thể hiện bản sắc văn hóa địa phương qua việc lưu giữ những hình ảnh thiên nhiên, sản vật, văn hóa vật chất, tinh thần và những phong tục tập quán gắn bó lâu đời của người dân nơi đây. Điều này chứng tỏ người dân Nghệ Tĩnh chú trọng cấu tạo loại từ ngữ có nghĩa biệt loại cao, mặt khác, thể hiện sự tri nhận, phân cắt thực tại một cách cụ thể, chi tiết của người dân Nghệ Tĩnh.
7. Cấu tạo, nguồn gốc từ ngữ, cách lựa chọn đặc trưng định danh và lối dùng từ ngữ nghề nghiệp theo hình thức chuyển nghĩa biểu trưng đã phần nào vẽ nên chân dung những chủ nhân nghề nông nơi đây với cách tư duy phân tích hiện thực tỉ mỉ nhưng cũng giàu sự liên tưởng đa chiều, thể hiện cách ứng xử linh hoạt với tự nhiên, môi trường.
8. Nét nổi bật trong cách định danh đối tượng của người dân Nghệ Tĩnh là thường hướng chú ý vào các đặc điểm dễ quan sát, tri nhận và gắn với hoạt động nghề nghiệp. Cấu trúc định danh nhiều yếu tố, nhiều tầng bậc khác nhau được người dân Nghệ Tĩnh ưu tiên sử dụng khi phân loại và khu biệt đối tượng. Điều này cho thấy trong tri nhận, người dân Nghệ Tĩnh thường hướng tới việc chi tiết hóa đối tượng khi định danh. Từ ngữ nghề nông Nghệ Tĩnh thể hiện thói quen phát âm, dùng từ, thói quen tư duy mộc mạc, trực quan mang đặc trưng ngôn ngữ - văn hoá riêng của người Nghệ Tĩnh vùng Bắc Trung Bộ, đồng thời mang tính lựa chọn cao.
9. Chương 4 của luận án là chương có cách tiếp cận, lí giải mới, có cơ sở và thuyết phục một vấn đề có tính liên ngành, chỉ ra được đặc trưng văn hóa qua cấu tạo, định danh theo đường hướng ngôn ngữ - văn hóa. Trong đó, những đặc trưng văn hóa biểu hiện qua trường định danh thực tại và ý nghĩa biểu trưng mà chương này chỉ ra là một kết quả nghiên cứu mới cụ thể.
10. Các đặc trưng ngôn ngữ - văn hóa của từ ngữ nghề nông Nghệ Tĩnh giúp người quan tâm có được một hình dung nhất định những nét đặc trưng về ngữ âm và ngữ nghĩa của từ ngữ địa phương Nghệ Tĩnh, những nét đặc trưng văn hóa, cảnh sắc thiên nhiên, cuộc sống về vật chất và tinh thần, tính cách tâm hồn của con người nơi đây
11. Các kết quả nghiên cứu của luận án có ý nghĩa góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị ngôn ngữ - văn hóa của địa phương Nghệ Tĩnh nói riêng, xây dựng nền “văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” nói chung.
Luận án NCS Nguyễn Thị Phước Mỹ.rar