Tên luận án: Quản lý nhà nước đối với lĩnh vực nông sản xuất khẩu của tỉnh Nghệ An

Họ và tên của nghiên cứu sinh: Hoàng Thị Thúy Vân

Ngành khoa học của luận án: Quản lý kinh tế

Mã số: 9310110

Tập thể hướng dẫn: 1. PGS. TS. Trịnh Thị Ái Hoa ; 2. PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Phượng 

Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Vinh

Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận

Về mặt lý luận, đề tài luận án có 02 đóng góp mới :

 (1) Đưa ra và phân tích khái niệm QLNN của chính quyền cấp tỉnh đối với lĩnh vực NSXK. Theo đó, "Quản lý nhà nước của chính quyền tỉnh đối với lĩnh vực nông sản xuất khẩu là sự tác động có chủ đích của chính quyền tỉnh, thông qua cơ chế quản lý, tới lĩnh vực nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, thuộc phạm vi quản lý của chính quyền tỉnh, theo quy định phân cấp quản lý, nhằm thực hiện các mục tiêu được xác định cho lĩnh vực nông sản trong từng thời kỳ xác định”. Chủ thể quản lý trong khái niệm này là chính quyền cấp tỉnh (trong luận án này là UBND tỉnh). Đối tượng của QLNN của chính quyền tỉnh đối với lĩnh vực NSXK, trong đó, NSXK được xem xét với tư cách là một lĩnh vực kinh tế. Trong khi đó, chưa có công trình nghiên cứu nào trước đó nghiên cứu QLNN của chính quyền cấp tỉnh với đối tượng quản lý là NSXK với tư cách là một lĩnh vực kinh tế. Cách phân tích và tiếp cận khái niệm này cũng chưa được thể hiện trong các công trình nghiên cứu trước đó, cùng chủ đề QLNN của chính quyền cấp tỉnh, với các đối tượng quản lý khác nhau.

(2) Phân tích 04 nguyên tắc QLNN của chính quyền tỉnh đối với lĩnh vực NSXK: nguyên tắc thống nhất, tập trung, dân chủ; nguyên tắc kết hợp hài hòa các lợi ích ; nguyên tắc tiết kiệm và hiệu quả, nguyên tắc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Quản lý nói chung đều phải tuân thủ 4 nguyên tắc cơ bản này. Tuy nhiên, ở đây tác giả đã vận dụng những vấn đề cơ bản về nguyên tắc quản lý nói chung để phân tích các nguyên tắc này trong QLNN của chính quyền tỉnh đối với lĩnh vực NSXK. Điều này chưa được thực hiện ở các công trình nghiên cứu trước đây, gần chủ đề đề tài luận án.

Về mặt thực tiễn, đề tài có 02 đóng góp mới :

(1) Phân tích, đánh giá thực trạng QLNN của chính quyền tỉnh Nghệ An đối với lĩnh vực NSXK trong giai đoạn 2019 – 2022, chỉ ra những hạn chế: i) xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chính sách đối với lĩnh vực NSXK chưa dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn đầy đủ; ii)  kế hoạch sản xuất, chế biến một số NSXK chưa sát với khả năng thực hiện thực tế, chưa đồng bộ ; iii) thiếu những chính sách đảm bảo sự ưu tiên đúng mức cần có cho lĩnh vực NSXK của tỉnh; iv) thiếu cơ chế điều phối tổ chức thực hiện các kế hoạch sản xuất, chế biến NSXK, đảm bảo sự gắn kết việc tổ chức thực hiện ba nhóm kế hoạch thuộc lĩnh vực này, để bảo đảm tính tổng thể của lĩnh vực NSXK; v) việc thực hiện chính sách liên kết sản xuất, chế biến và XKNS chưa tạo ra những thay đổi về chất trong các liên kết theo chuỗi giá trị NSXK của tỉnh, các liên kết được hình thành chưa chặt chẽ; chưa áp dụng đồng thời nhiều hình thức kiểm tra; việc tổ chức kiểm tra, thanh tra chưa đảm bảo tính đồng bộ, gắn kết giữa ba khâu của lĩnh vực NSXK của tỉnh. Một trong những nguyên nhân cơ bản của những hạn chế này là trong quan điểm của lãnh đạo tỉnh, lĩnh vực NSXK chưa được đặt ở vị trí xứng đáng cần có của nó.

(2) Đề xuất được 03 nhóm giải pháp mới, hoàn thiện QLNN của UBND tỉnh đối với lĩnh vực NSXK của tỉnh Nghệ An: i) Cần đặc biệt coi trọng yêu cầu, nhu cầu thị trường nông sản trong và ngoài nước và phải lấy đó làm một trong những căn cứ ưu tiên quan trọng trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chính sách đối với lĩnh vực NSXK; ii) giải pháp xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chính sách riêng cho từng nhóm NSXK cụ thể, được phân nhóm theo mức độ thuận lợi, khó khăn khác nhau, trong khả năng xuất khẩu, đảm bảo sự phát triển ổn định, vững chắc trong dài hạn của các nông sản này và của cả lĩnh vực NSXK của Nghệ An; iii) giải pháp liên kết giữa chính quyền tỉnh Nghệ An và chính quyền các tỉnh khác trong vùng (Thanh Hóa, Hà Tĩnh) trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chính sách đối với lĩnh vực NSXK, đảm bảo khai thác tối đa lợi thế so sánh về sản xuất, chế biến và XKNS của từng địa phương và có thể khai thác được lợi thế kinh tế nhờ quy mô của toàn vùng, bảo đảm hạn chế tình trạng “cạnh tranh xuống đáy” giữa các tỉnh, gây thiệt hại về lợi ích của từng địa phương và lợi ích của cả quốc gia.

Các thông tin liên quan đến luận án xem trong file đính kèm.

 LA_NCS_HOANG_THI_THUY_VAN_QLKT_BV_CAPTRUONG.rar