Tên luận án: Quản lý của chính quyền cấp tỉnh đối với du lịch biển - Nghiên cứu tại Thanh Hóa.

Họ và tên của nghiên cứu sinh: Phạm Nguyên Hồng

Ngành khoa học của luận án: Quản lý kinh tế

Mã số: 9310110

Tập thể hướng dẫn: 1. TS. Nguyễn Hoài Nam; 2. PGS.TS. Trần Thị Hoàng Mai;

Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Vinh

TÓM TẮT NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

1. Về mặt luận

Thứ nhất, luận án góp phần làm rõ cơ sở lý luận, nội dung quản lý, các nhân tố ảnh hưởng tới quản lý của CQCT đối với du lịch biển. Kết quả của luận án này là sự bổ sung làm phong phú hơn lý luận về quản lý du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng.

Thứ hai, nghiên cứu này cũng bổ sung thêm bằng chứng thực nghiệm về quản lý của CQCT đối với du lịch biển ở quốc gia đang phát triển như Việt Nam đóng góp vào phương pháp luận trong việc phân tích thực trạng quản lý của CQCT đối với du lịch biển tại các quốc gia đang phát triển.

2. Về mặt thực tiễn

Thứ nhất, kết quả đánh giá thực trạng du lịch biển và chất lượng điểm đến du lịch biển tại tỉnh Thanh Hóa cho thấy, chất lượng điểm đến du lịch biển những năm qua của tỉnh Thanh Hóa đã có những cải thiện đáng kể. Hiện nay, du khách đánh giá cao chất lượng điểm đến tại Khu du lịch biển Sầm Sơn. Trong khi đó, đối với khu du lịch biển Hải Tiến và Hải Hòa vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: (i) hệ thống vui chơi giải trí cần đầu tư nâng cấp đáp ứng nhu cầu của du khách; (ii) chất lượng nguồn nhân lực; (iii) các chương trình xúc tiến, quảng bá.

Thứ hai, kết quả đánh giá thực trạng quản lý của CQCT Thanh Hóa đối với du lịch biển cho thấy mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận nhưng công tác quản lý còn một số hạn chế như: sự phối hợp quản lý du lịch biển từ cấp tỉnh tới cấp xã còn hạn chế; công tác quản lý và giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch đạt hiệu quả chưa cao; chính sách thu hút đầu tư vào các sản phẩm du lịch biển mới chưa thực sự hấp dẫn; ảnh hưởng bởi tính thời vụ, nên việc thu hút lao động chất lượng cao đối với lĩnh vực du lịch biển còn khó khăn; chính sách xúc tiến đối với thị trường nước ngoài chưa thực sự hấp dẫn.

Thứ ba, Luận án đã phân tích nghiên cứu làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến quản lý chính quyền tỉnh Thanh Hóa đối với du lịch biển. Kết quả phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới quản lý của CQCT đối với du lịch biển cho thấy, nhân tố có tác động mạnh nhất tới quản lý của CQCT Thanh Hóa đối với du lịch biển đó là “Đội ngũ cán bộ công chức quản lý” và sau đó lần lượt là các biến: “Nhận thức của người dân, doanh nghiệp”; “Thể chế quản trị địa phương”, “Cơ sở vật chất kỹ thuật”; và cuối cùng là “ Môi trường kinh tế xã hội địa phương”. Các biến quan sát sử dụng để phân tích làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến quản lý của chính quyền tỉnh Thanh Hóa, có thể là tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu về quản lý của chính quyền đối với du lịch biển trong các nghiên cứu khác.

Thứ tư, luận án đã đề xuất một số giải pháp mới cho nhà quản lý và Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của CQCT đối với du lịch biển. Trong đó CQCT Thanh Hóa cần tập trung cải thiện nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức và sau đó nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp; cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính; cơ sở vật chất kỹ thuật. Đặc biệt, cần tổ chức hiệu quả bộ máy quản lý du lịch biển, tăng cường vai trò của các đơn vị liên quan trong điều hành quản lý du lịch biển.

Các thông tin liên quan đến luận án xem trong file đính kèm.

LA_NCS_pham_nguyen_hong.rar