Trường Đại học Vinh tổ chức buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường cho NCS Trần Bá Tiến, chuyên ngành Lý luận Ngôn ngữ, với đề tài: “Nghiên cứu thành ngữ biểu thị tâm lý tình cảm trong tiếng Anh và tiếng Việt từ bình diện Ngôn ngữ học Tri nhận”
NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN:
Đề tài : “Nghiên cứu thành ngữ biểu thị tâm lý tình cảm trong tiếng Anh và tiếng Việt từ bình diện Ngôn ngữ học Tri nhận”
Chuyên ngành: Lý luận Ngôn ngữ
Mã số: 62.22.01.01
Họ và tên nghiên cứu sinh: Trần Bá Tiến
Người hướng dẫn khoa học:
1. GS. TS. Nguyễn Văn Khang
2. PGS. TS. Lê Đình Tường
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Vinh
II. Nội dung bản trích yếu
2.1. Mục đích và đối tượng nghiên cứu của luận án
Luận án khảo sát thành ngữ biểu thị trạng thái tâm lý tình cảm trong tiếng Anh và tiếng Việt trên bình diện ngữ nghĩa học tri nhận nhằm: Góp phần soi sáng lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận từ góc độ xuyên ngôn; góp phần vào nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá, làm nổi bật đặc trưng ngữ nghĩa, tư duy văn hoá dân tộc thể hiện trong thành ngữ; và định hướng xây dựng giáo trình dạy học tiếng và phương pháp dạy học theo trường nghĩa tri nhận.
Luận án tập trung khảo sát các thành ngữ chỉ trạng thái tâm lý tình cảm trong tiếng Anh và tiếng Việt thuộc 5 phạm trù tình cảm: Tức giận, vui, buồn, sợ, xấu hổ.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng các phương pháp và thủ pháp thống kê, miêu tả, phân tích định tính, định lượng, quy nạp, diễn dịch, so sánh, đối chiếu.
2.3. Các kết quả chính và kết luận
Luận án hệ thống hóa những vấn đề cơ bản của ngữ nghĩa học tri nhận, thảo luận mối quan hệ giữa ngôn ngữ - văn hóa - tư duy, và vấn đề thành ngữ trong tiếng Anh và tiếng Việt. Luận án tập trung phân tích cơ chế hình thành ẩn dụ và hoán dụ tri nhận trong thành ngữ biểu thị tâm lý tình cảm xuất phát từ kinh nghiệm cơ thể trong sự tương tác với văn hóa và môi trường. Kết quả nghiên cứu chỉ ra những nét phổ quát và tính đặc thù văn hóa thể hiện trong hai ngôn ngữ.
2.3.1. Tính phổ quát của ẩn dụ tình cảm trong hai ngôn ngữ dựa trên một số ý niệm cơ sở về định hướng không gian lên-xuống, nhiệt độ nóng-lạnh, tương tác lực kiểm soát-bị tác động, và hình thể nguyên vẹn-tan vỡ, cân xứng-méo mó. Ẩn dụ định hướng lên đi với tình cảm tích cực vui, hướng xuống có tính tiêu cực là buồn và xấu hổ. Ẩn dụ về nhiệt độ tăng liên tưởng với tức giận, lạnh liên hệ với sợ, ấm áp với yêu thương, mát là trung tính. Về hình thể, tình cảm tích cực được ẩn dụ hóa với hình dạng nguyên vẹn và cân xứng, tình cảm tiêu cực ẩn dụ hóa với tan vỡ hoặc méo mó dị dạng. Kinh nghiệm sinh lý cũng là cơ sở quan trọng của một số ẩn dụ có tính phổ quát: cảm giác nặng nề và khó chịu về thể chất liên tưởng với sự tức giận, nỗi buồn liên tưởng sự đau đớn thể xác, cảm giác nhẹ nhõm liên tưởng với niềm vui, v.v.
2.3.2. Yếu tố văn hóa và môi trường tạo nên sự khác biệt ở hai ngôn ngữ. Thành ngữ tiếng Anh, đặc biệt là thành ngữ biểu thị giận dữ có xu hướng bộc lộ ra ngoài phổ biến hơn tiếng Việt. Văn hóa người Việt Nam vốn coi trọng sự hòa hợp “Một điều nhịn chín điều lành” nên việc kìm chế thể hiện tình cảm trong nhiều trường hợp là chuẩn mực văn hóa ứng xử. Với đặc trưng văn hóa phương Đông, chịu ảnh hưởng của Phật giáo và Nho giáo, thành ngữ tiếng Việt có nhiều ẩn dụ liên tưởng đến hệ thống niềm tin như ý niệm hồn, vía khi nói về sự sợ hãi. Với nền văn minh công nghiệp lâu đời, các thành ngữ biểu thị tâm lý tình cảm tiếng Anh có nhiều ẩn dụ hình ảnh liên tưởng đến xã hội công nghiệp bao gồm: tàu thuyền, máy móc, công sở.
2.3.3. Tính phổ quát của hoán dụ tình cảm chủ yếu thể hiện ở nét mặt. Đặc trưng văn hóa và tư duy dân tộc thể hiện rõ nhất qua hoán dụ bộ phận cơ thể. Người Mỹ xem cơ thể là vật chứa đựng tình cảm nên có rất ít hoán dụ bộ phận cơ thể. Hoán dụ bộ phận chủ yếu là mặt và tim. Tư tưởng triết lý phương Đông về thuyết Âm-Dương và Ngũ Hành có ảnh hưởng sâu sắc đối với người Việt Nam nên cách thức hoán dụ tâm lý tình cảm dựa trên triết lý này. Theo thuyết Âm-Dương và Ngũ Hành, mỗi bộ phận cơ thể có mối liên hệ với một trạng thái tâm lý tình cảm nhất định nên hoán dụ dựa trên sự tương ứng đó: gan/mật có mối quan hệ với tức giận, tim/ruột non (lòng) liên hệ với vui mừng, phổi/ruột già (lòng) liên tưởng với nỗi buồn, thận/bàng quang có quan hệ với sợ hãi.
2.3.4. Cơ chế hình thành nghĩa của thành ngữ biểu thị tâm lý tình cảm dựa trên kinh nghiệm hiện thân phổ quát trong sự tương tác với văn hóa và môi trường dẫn đến sự tương đồng và dị biệt ở các ngôn ngữ. Do vậy, khi dạy thành ngữ cho người nước ngoài cần khai thác triệt để yếu tố phổ quát và tính hệ thống, đồng thời cần chỉ ra nét đặc trưng tư duy văn hóa ở các trường hợp dị biệt nhằm giúp người học lĩnh hội nhanh hơn.
2.3.5. Luận án góp phần tìm hiểu về văn hoá, con người Việt Nam và Hoa Kỳ thông qua nghiên cứu ngôn ngữ, góp phần giới thiệu, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Luận_án_tiến_sĩ_của_NCS_Trần_Bá_Tiến_121011154444.rar