Trường Đại học Vinh đã tổ chức buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường cho NCS Lê Thị Sao Chi, chuyên ngành Lý luận Ngôn ngữ, với đề tài: “Khảo sát lời độc thoại nội tâm nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thị Thu Huệ”. 
 
NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN:
Đề tài: Khảo sát lời độc thoại nội tâm nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thị Thu Huệ.
Chuyên ngành: Lý luận Ngôn ngữ
Mã số: 62.22.01.01
Nghiên cứu sinh: Lê Thị Sao Chi
Người hướng dẫn khoa học:      1. GS.TS.  Đỗ Thị Kim Liên
                                                        2. GS.TS. Hoàng Trọng Tiến
1. Đóng góp về mặt lý luận
           - Tiến hành khảo sát lời độc thoại nội tâm nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thị Thu Huệ, chúng tôi xác định đóng góp của luận án về mặt lý luận trên những điểm sau:
- Khẳng định và làm sáng rõ thêm một số tiền đề của lý thuyết hội thoại: vai trò của nhân tố người nghe, mối quan hệ giữa ngữ cảnh với lời thoại, dấu ấn cá nhân của người nói thể hiện qua lời thoại.
- Xác định những điểm giống nhau và khác nhau giữa lời đối thoại và lời độc thoại nội tâm trên hai phương diện cơ bản: hành động ngôn ngữ và ngữ nghĩa của lời.
- Khái quát những đặc điểm hành chức nổi bật của lời độc thoại nội tâm trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thị Thu Huệ.
- Hướng tới xác định vai trò quan trọng của lời độc thoại nội tâm trong việc thể hiện những phương diện cơ bản của tác phẩm văn học: nhân vật, phong cách ngôn ngữ nhà văn, nội dung tác phẩm và thi pháp truyện.
2. Đóng góp về mặt thực tiễn
Việc khảo sát lời độc thoại nội tâm nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thị Thu Huệ cho phép luận án hướng tới những đóng góp về mặt thực tiễn như sau:
 - Xác lập hệ thống tiêu chí nhận diện lời độc thoại nội tâm trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thị Thu Huệ và đã thống kê được 467 lời độc thoại nội tâm trong 94 truyện ngắn của ba tác giả. Luận án sử dụng hơn 5500 phiếu thống kê và 25 bảng phân loại để phân tích những đặc điểm hành chức của lời độc thoại nội tâm. 
- Mô tả một số nhóm hành động độc thoại có tần số xuất hiện cao, đặt chúng trong mối quan hệ tương tác với phản ứng của người nghe và chỉ ra những nhân tố chi phối việc lựa chọn hành động độc thoại. Qua việc sử dụng hành động ngôn ngữ có thể nhận ra tính chất mối quan hệ giữa các nhân vật, định hướng hành động của nhân vật trong ngữ cảnh cụ thể.
- Phân tích ngữ nghĩa lời độc thoại nội tâm, các nhân tố chi phối ngữ nghĩa lời độc thoại nội tâm, từ đó nhận diện những đặc điểm về tâm lý, nhu cầu nhận thức hiện thực và đời sống tình cảm của nhân vật.
- Tìm hiểu lời độc thoại nội tâm nhân vật như một phương tiện ngôn ngữ nghệ thuật được nhà văn sử dụng nhằm khắc họa tâm lý và tính cách nhân vật sẽ góp phần nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ độc thoại nội tâm - một dạng thoại độc đáo trong văn bản nghệ thuật.
 

Luận_án_tiến_sĩ_của_NCS_Lê_Thị_Sao_Chi_112203121030.rar