Tên đề tài luận án: Cảm hứng xê dịch trong Văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (1900-1945)

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam

Mã số chuyên ngành: 9.22.01.21

Nghiên cứu sinh: Lê Việt Đoàn

         Người hướng dẫn 1: PGS.TS. Biện Minh Điền

         Người hướng dẫn 2: TS. Lê Thanh Nga

         Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Vinh

         NHỮNG KẾT LUẬN MỚI CỦA LUẬN ÁN

         1. Trong sáng tạo văn học nghệ thuật, vấn đề cảm hứng bao giờ cũng có vai trò quan trọng hàng đầu, vì nó là hứng phấn kích thích, lay thức tình cảm, tư tưởng, niềm đam mê của người nghệ sĩ, để từ đó người nghệ sĩ bước vào hành trình sáng tác, tạo nên sản phẩm tinh thần, tác phẩm. Thông qua việc khảo sát, phân tích, luận giải cảm hứng xê dịch trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (1900 – 1945) nhất là qua các hiện tượng tiêu biểu (thơ và văn xuôi Tản Đà, Thơ mới 1932 – 1945; sáng tác của Nguyễn Tuân, văn xuôi Tự lực văn đoàn) trên cả hai phương diện nội dung và phương thức thể hiện, luận án có cơ sở để xác định vai trò khó có thể thay thế của mạch cảm hứng này đối với lịch sử văn học dân tộc trên con đường đi đến hiện đại và giao lưu, hội nhập với văn học thế giới.

2. Văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX từng được tìm hiểu, nghiên cứu nhiều, từ nhiều góc nhìn khác nhau (từ góc nhìn lịch sử văn học; từ góc nhìn thi pháp và phong cách học nghệ thuật; từ góc nhìn loại hình – thể loại, từ góc nhìn tư tưởng hay cảm hứng sáng tạo,...). Việc nghiên cứu cảm hứng xê dịch với tư cách như một vấn đề mang tính quy luật của cả một thời kỳ văn học, lần đầu tiện được luận án này tập trung tìm hiểu, nghiên cứu với một cái nhìn hệ thống.

3. Cảm hứng xê dịch trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (1900 – 1945) được hình thành do tác động của nhiều yếu tố: Bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa Việt Nam khi bước vào thế kỷ XX và những yêu cầu của thời đại đối với văn học dân tộc; Ảnh hưởng của văn hóa, văn học phương Tây xét trên cả hai phương diện tư tưởng, lý thuyết và thực tiễn sáng tác; Những tiền đề từ văn học truyền thống; Nội lực và khả năng của bản thân văn học dân tộc trước yêu cầu bức thiết phải đổi mới, hiện đại hóa; Khát vọng giải phóng, đổi mới của lớp nhà văn chuyên nghiệp trong buổi bình minh của thời hiện đại... Yếu tố đóng vai trò quyết định vẫn là những tiền đề chủ quan từ bản thân văn học dân tộc. Khảo sát văn học Việt Nam 1900 – 1945, người nghiên cứu hoàn toàn có cơ sở để xác định rằng: “Xê dịch” như một biểu hiện mang tính thời đại của khát vọng giải phóng, đổi mới; và đây chính là nguồn cảm hứng kích hoạt mạnh mẽ khả năng sáng tạo của nhà văn. Nhờ nó mà văn học dân tộc có nhiều thế giới nghệ thuật sinh động, độc đáo.

4. Viết theo cảm hứng xê dịch, văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (1900 – 1945) cho thấy nhiều nội dung mới mẻ. Thứ nhât, xê dịch như một lối thoát ly thực tại dưới chế độ thực dân phong kiến đầy tù túng, vô lý, bất công. Thứ hai, xê dịch - “ra đi” như một thú vui giang hồ, vô định… và khát vọng tự do. Thứ ba, xê dịch như một con đường giải phóng cái tôi cá nhân, con người cá nhân. Thứ tư, xê dịch - ra đi tìm cái mới, cái khác lạ. Tất cả những nội dung ấy chúng tỏ rằng cảm hứng xê dịch có một nội hàm khá rộng, gồm nhiều biểu hiện, khía cạnh khác nhau. Điều này hoàn toàn phù hợp, hài hòa với phần giới thuyết khái niệm mà chúng tôi đã đưa ra ở chương 1 của luận án.

5. Để thể hiện thành công các nội dung mới mẻ của cảm hứng xê dịch, các tác giả văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (1900 – 1945) đã nỗ lực rất lớn trong vận dụng nhiều phương thức, thủ pháp nghệ thuật, trong đó đáng nói nhất là sự vận dụng thể loại; bút pháp; giọng điệu và ngôn ngữ. Lãng mạn là bút pháp chủ đạo trong các sáng tác về đề tài xê dịch. Bên cạnh đó, các nhà văn còn kết hợp bút pháp lãng mạn với bút pháp hiện thực. Về giọng điệu, hai chất giọng chủ yếu được các nhà văn sử dụng là giọng trữ tình và triết luận. Về mặt ngôn ngữ, cách sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Tuân mang cá tính cao, gắn liền với sự tài hoa, uyên bác và chất ngông của tác giả. Ngôn ngữ Tự lực văn đoàn giàu tính cảm giác và tâm lý, thiên về cái bên trong của nhân vật. Trong thế giới xê dịch ấy, nổi bật lên các biểu tượng nghệ thuật tiêu biểu là: mưa gió, con đường với những dạng thức và ý nghĩa biểu trưng sâu sắc, góp phần hé mở chiều sâu trong nhận thức thực tại và biểu lộ cảm quan của người nghệ sĩ trong hành trình xê dịch.

6. Nghiên cứu cảm hứng xê dịch trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (1900 – 1945) thực sự là vấn đề hết sức thú vị, có ý nghĩa sâu sắc về nhiều phương diện, nhất là ý nghĩa xã hội – thẩm mỹ. Tác giả luận án, một mặt, tự thấy rõ như vậy; nhưng mặt khác cũng thấy được đây là vấn đề phức tạp, không dễ gì giải quyết rốt ráo được mọi điều, ngay cả những điều mà mình đã tự đặt ra… Thiết nghĩ, để tìm hiểu, nghiên cứu một cách thật thỏa đáng vấn đề này, đòi hỏi không chỉ sự tiếp tục của tác giả luận án mà còn đòi hỏi công sức của nhiều người. Có một thực tế rất đáng chú ý hiện nay là du lịch đang trở nên là vấn đề hấp dẫn, có tính chất toàn cầu; giới trẻ đang rất hăm hở với cái gọi là “phượt”, từ đó, không ít người vốn không có ý định viết văn nhưng lại có mong muốn “ghi lấy cuộc đời mình”, và trong văn học đương đại xuất hiện khá nhiều những tác phẩm như là được viết từ cảm hứng xê dịch, tiêu biểu như Phù phiếm truyện, Một mình ở châu Âu của Phan Việt; Trên dấu chân di thê, Tây Tạng - giọt hoa trong nắng của Văn Cầm Hải; Hành trình của những người trẻ, Nhắm mắt thấy Paris của Dương Thụy; v.v… Mảng “văn học trẻ” này cùng với mảng sáng tác của các nhà văn đã nổi tiếng như Thuận (các tiểu thuyết: Chinatown; T mất tích, Hà Nội, Sài Gòn, Paris); Đoàn Minh Phượng (các tiểu thuyết: Và khi tro bụi, Mưa ở kiếp sau); Nguyễn Văn Thọ (tiểu thuyết: Quyên, ký: Đào ở xứ người); v.v… Điều đó cho thấy cảm hứng xê dịch (hoặc liên quan đến Xê dịch) trong văn học đương đại vẫn đang là mạch cảm hứng mà giới nghiên cứu không thể không quan tâm…

Luận án Lê Việt Đoàn.rar